Chứng khoán Việt Nam: Thiếu những sản phẩm để cân bằng rủi ro!
Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm theo sự tăng, giảm chung của nền kinh tế Việt Nam. Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế nên sẽ phản ánh những sự chuyển động của nền kinh tế và thường đi trước xu hướng chuyển động của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế có sự tăng trưởng do việc nới lỏng tín dụng trong năm 2010 thì trước đó năm 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và kéo dài sang năm 2010. Khi nền kinh tế gặp những khó khăn trong giai đoạn 2011 – 2013 vừa qua thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự sụt giảm mạnh mẽ từ năm 2010 – 2012 và có sự phục hồi khá mạnh trong năm 2013.
Năm 2013, VN-Index tăng trưởng 21,97% so với năm 2012, HNX-Index tăng trưởng 18,83% là tín hiệu rất tích cực của thị trường. Thêm vào đó thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng mạnh kèm theo dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài cũng đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua. Tuy nhiên, dòng tiền vào thị trường chủ yếu là dòng tiền ngắn hạn và đầu cơ nên mức độ biến động của dòng tiền rất cao và thị trường sẽ chưa thể có những sự phát triển ổn định trong thời gian ngắn mà sẽ có những đợt tăng/giảm đan xen nhau theo nhịp tăng của nền kinh tế.
Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang thiếu những gì để có thể phát triển mạnh, bắt kịp với các thị trường chứng khoán trong khu vực và thế giới?
Theo đánh giá của tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ nhằm đa dạng hóa các loại hình đầu tư, giúp cho nhà đầu tư có thể cân bằng được các rủi ro trong hoạt động đầu tư. Ví dụ như xây dựng các sản phẩm để cho nhà đầu tư có thể bán ngay được cổ phiếu khi cổ phiếu sau khi mua nhưng chưa về tài khoản, hoặc các sản phẩm phái sinh…
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần thanh lọc các công ty niêm yết nhằm nâng cao chất lượng các hàng hóa trên thị trường, cần yêu cầu và có chế tài đủ mạnh nhằm bắt buộc các công ty phải công bố thông tin một cách đầy đủ để nhà đầu tư có thể hiểu về doanh nghiệp trước khi đầu tư.
Bản thân nội tại các doanh nghiệp niêm yết cũng cần có định hướng và tích cực trong việc IR (quan hệ nhà đầu tư). Doanh nghiệp cần có thái độ cởi mở và tích cực với các nhà đầu tư trong việc công bố thông tin để nhà đầu tư có thể tiếp cận, tìm hiểu, đánh giá được về hoạt động của bản thân doanh nghiệp mình và triển vọng trong tương lai để ra các quyết định đầu tư phù hợp.
Nhân dịp đầu năm 2014, ông có dự báo gì về những cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay?
Theo đánh giá của tôi, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 vẫn còn những động lực tăng trưởng. Tuy nhiên mức tăng trưởng sẽ không cao như năm 2013. Nguyên nhân thì năm 2013, rất nhiều cổ phiếu có mức vốn hóa cao (bluechip) có mức định giá khá thấp (mức P/E quanh mức 5 lần) và đã tăng mạnh trong năm nên kéo theo các chỉ số chứng khoán tăng mạnh trong năm 2013.
Năm 2014, mặc dù có nhiều tín hiệu trong việc lợi nhuận tăng trưởng trong nhóm cổ phiếu bluechip nhưng do mức định giá đã tăng mạnh trong năm 2013 nên động lực tăng của nhóm này sẽ không còn đủ lớn. Các cổ phiếu thuộc nhóm Midcap có thể sẽ có những tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh nhưng do đóng góp ở trong chỉ số ở mức trung bình nên sẽ không nào chỉ số thị trường chung tăng mạnh.
Nhìn một cách cụ thể hơn, theo quan điểm cá nhân, những cơ hội đầu tư nào sẽ xuất hiện trong năm 2014?
Trong năm 2014, các cơ hội đầu tư sẽ xuất hiện ở các cổ phiếu bluechip hiện đang có mức định giá rẻ, các cổ phiếu đã đạt tới giới hạn room của nhà đầu tư nước ngoài và các cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định TPP. Các nhóm ngành có thể là nhóm dệt may trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2014 với kỳ vọng việc ký hiệp định TPP trong 6 tháng tới. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu ngành dầu khí sẽ vẫn có sự tăng trưởng ổn định trong trung dài hạn mặc dù sự tăng trưởng của cả nhóm sẽ không mạnh như năm 2013 (ước năm 2013, cả nhóm ngành dầu khí có mức tăng trưởng 57% cao hơn gấp 2 lần VN-Index). Các nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng có thể sẽ có tín hiệu tốt trong giai đoạn cuối năm 2014.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì việc chọn mã cổ phiếu đúng sẽ quan trọng hơn so với việc chọn nhóm ngành. Nguyên nhân trong nhóm ngành thì khá nhiều nhóm ngành khó khăn nhưng cổ phiếu đầu ngành vẫn có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2013 như HPG, hoặc các cổ phiếu có sự đảo chiều ngoạn mục trong lợi nhuận từ lỗ hoặc lãi nhẹ thành lãi lớn như PVT, TCM, VHG, DCL, DQC… Vì vậy, năm 2014, các mã cổ phiếu có sự đảo chiều mạnh trong kết quả kinh doanh cũng là các nhóm cổ phiếu nhà đầu tư nên đặc biệt quan tâm.
Với các nhà đầu tư yêu thích cổ phiếu cơ bản, có sự tăng trưởng trong lợi nhuận hàng năm thì có thể các nhóm cổ phiếu ngành dầu khí là sự lựa chọn khôn ngoan. Tính chung năm 2013, nhóm cổ phiếu dầu khí (nhóm 14 cổ phiếu có lợi nhuận tốt) có sự tăng trưởng lợi nhuận tới 23% trong năm 2013. Năm 2014, nhiều công ty sẽ tiếp tục có mức lợi nhuận tăng trưởng tốt như PVD, PVS, GAS hoặc như các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn như PXS, PGS, CNG, PGD…
Là một nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm bản thân đúc kết mà ông cho rằng nếu muốn thành công thì không thể thiếu?
Là một nhà đầu tư trên thị trường, tôi nhận thấy nhà đầu tư khi đầu tư nên có sự kiên nhẫn trong việc đầu tư và cũng không nên quá đam mê việc lướt sóng theo “đội lái” bởi đại đa số nhà đầu tư chỉ nghe được là cổ phiếu nào đó có “đội lái” mà sự thật của việc này không ai có thể kiểm định được. Việc đầu tư này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nhà đầu tư khi tham gia phải theo dõi thị trường rất sát sao liên tục để có thể bán ra cổ phiếu một cách nhanh nhất có thể khi có biến động giảm. Mặc dù nhà đầu tư luôn suy nghĩ việc do chỉ nắm 1 lượng cổ phiếu nhỏ so với tổng số lượng cổ phiếu giao dịch hàng ngày và có thể dễ dàng thoát ra khi có đảo chiều. Tuy nhiên, thực tế rất ít nhà đầu tư có thể bán được cổ phiếu khi cổ phiếu đảo chiều giảm mà thường sau khi điều chỉnh từ 15 – 20% mới có thể bán được cổ phiếu.
Quan điểm cá nhân tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên đầu tư vào các cổ phiếu có cơ bản tốt, việc cơ bản tốt này đã được phản ánh trong quá khứ và được nhận định bởi một số chuyên gia hàng đầu trong các ngành đó. Theo quan sát của tôi trong một số năm qua, tại 1 số nhóm ngành cũng có khá nhiều chuyên gia phân tích có những nhận định chuẩn xác giúp nhà đầu tư có cái nhìn đúng và tương đối đầy đủ về triển vọng của các doanh nghiệp có cơ bản tốt cũng như xu hướng biến động về kết quả kinh doanh trong năm, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong việc kỳ vọng biến động của giá cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể theo dõi các báo cáo đánh giá, nhận định này để có cơ sở tốt hơn trong việc quyết định đầu tư của mình.
Thu Hà – Người Đồng Hành
https://ndh.vn/chung-khoan/chung-khoan-viet-nam-thieu-nhung-san-pham-e-can-bang-rui-ro-1171537.html